Năm 2015, cộng đồng công nghệ ấn tượng với câu nói của CEO Nokia Stephen Elop tại buổi họp báo thông báo hãng này bị Microsoft mua lại. Ông nói: “Chúng tôi không làm điều gì sai nhưng không hiểu vì sao chúng tôi lại thua” như một cách biện hộ cho sự thất bại của Nokia. Vậy điều gì đã khiến một công ty điện thoại nổi danh phải bán mình? Câu trả lời là do công ty này đã quá “trung thành” với dòng điện thoại phổ thông và chậm chân trong việc sản xuất điện thoại thông minh, do thiếu sự nhanh nhạy trước nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng. Thực tế là Nokia biết trước xu hướng nhưng họ đã phớt lờ, đến lúc nhận định một cách đầy đủ hơn thì họ đã bị đối thủ bỏ lại quá xa.
Mới đây, trên TED Talks(*), cô Tricia Wang, một người nghiên cứu về công nghệ, đã có buổi nói chuyện về big data giúp con người nhìn thấy những khuyết điểm bên trong của mình. Trong bài nói chuyện, cô có đề cập đến chuyện hồi năm 2009, sau khi có sự phân tích hàng loạt dữ liệu về người tiêu dùng và đi đến kết luận rằng điện thoại thông minh sẽ là xu hướng trong tương lai thì lãnh đạo Nokia lại không chú ý đến thông tin này. Trước đó chỉ một năm (2008), Nokia còn ở trong thời kỳ hoàng kim khi chiếm thị phần 40% trên thị trường điện thoại toàn cầu với doanh thu 41 tỉ euro và có tới gần 130.000 nhân viên làm việc ở 150 quốc gia khác nhau. Với những con số như vậy, những thông tin của Tricia Wang đưa ra không nhận được sự quan tâm đầy đủ của những người đứng đầu hãng điện thoại này có thể hiểu được phần nào.
Một câu chuyện khác liên quan đến thời kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Trong khi bà Hillary Clinton đang ở thế thắng trước ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò của các hãng thông tấn, cũng đã có luồng thông tin được đưa ra với dự đoán hoàn toàn trái ngược kết quả thăm dò vừa nêu. Cụ thể, hệ thống MogIA (trí tuệ nhân tạo), bằng việc thu thập 20 triệu dữ liệu online từ Google, Youtube, Twitter…, đã dự đoán ông Donald Trump sẽ là người thắng cử. Lý do để MogIA đưa ra dự đoán đúng là nhờ đã thu thập hàng triệu thông tin khác nhau từ nhiều nguồn chứ không bị khu trú trong những thông tin thăm dò bằng gọi điện thoại hay qua phiếu lấy ý kiến như các cuộc thăm dò xưa nay.
Đây là hai dẫn chứng cho thấy tầm quan trọng của big data.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Câu hỏi đặt ra là dữ liệu lớn sẽ giúp ích gì cho doanh nghiệp Việt Nam để có những chiến lược kinh doanh đúng?
Theo ông Nguyễn Dương, người từng ở vị trí giám đốc Singtel ở Việt Nam và hiện đang làm việc trong vai trò chuyên gia trải nghiệm khách hàng, cũng là người thường xuyên làm việc và tiếp cận với big data, trong một thế giới kết nối như hiện nay, big data có vai trò rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp biết được nhu cầu, sở thích mua sắm của người tiêu dùng và đưa ra những khuyến cáo trong thời gian thực (real time). Từ đó doanh nghiệp tương tác, truyền tải thông điệp, và thiết kế đúng giá trị phù hợp cho đối tượng khách hàng vào đúng thời điểm quan trọng với họ để làm tăng giá trị, nâng cao sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Ví dụ Singtel ứng dụng big data với người dùng điện thoại di động để xác định điểm đầu và cuối của việc di chuyển hàng ngày cũng như mật độ cư dân có tham gia giao thông hàng ngày ở các khu vực (ở Singapore) để khuyến nghị bố trí giao thông công cộng cho ngành giao thông. Ủy ban Thể thao Singapore cũng dùng giải pháp này cho việc quy hoạch luồng di chuyển của các sự kiện lớn như SEA Games hay cuộc đua công thức 1 (Formula 1) ở nước này.
Theo ông Dương, big data là tập hợp rất nhiều thông tin khác nhau và đa chiều về một cá nhân. Sau đó, từ dữ liệu của hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân ấy, người ta dùng thuật toán, công nghệ và các mô hình xử lý dữ liệu để tìm ra những sự vận động chung mang tính quy luật và dự báo được hành vi/suy nghĩ của khách hàng trong thời gian tới. Với kinh nghiệm của mình, ông Dương cho rằng không chỉ có doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa đều có thể ứng dụng big data để có được những chiến lược kinh doanh phù hợp
Ông Dương cho biết thêm, bằng việc theo dõi, nhận ra những đặc điểm của người dùng điện thoại, các công ty di động có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định như sẽ khuyến mãi cái gì, cho đối tượng khách hàng nào vào đúng thời điểm, tiết kiệm được thời gian mà độ chính xác lại cao. Họ cũng biết là nên cắt giảm các chương trình chào mời nào mà khách hàng không quan tâm để tránh hoạt động tràn lan mà thiếu chủ đích, làm giảm trải nghiệm của khách hàng và còn có thể ảnh hưởng đến uy tín công ty.
Ông Phạm Nguyễn Sơn Tùng, giảng viên và là huấn luyện viên đội tuyển thuật toán của trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, cho biết big data là một thuật ngữ được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, nhưng để big data có hiệu quả thì phải qua một quá trình xử lý thông tin để có thể biết đâu là thông tin có ích. Ví dụ tại một công ty giao hàng có tới cả trăm nhân viên giao hàng, để việc sử dụng 100 nhân viên sao cho mọi người làm việc bằng nhau (không có người làm việc quá nhiều trong khi người khác ngồi chơi), người ta dùng dữ liệu từ các hoạt động giao hàng và chạy thuật toán để có bài toán phân công lao động tối ưu. Bài toán này cũng được ứng dụng cho các công ty vận tải, hàng không hay các công ty bán lẻ.
Trong xu thế toàn cầu hóa và Internet vạn vật, doanh nghiệp nào muốn thành công sẽ phải gắn liền với big data như một xu thế tất yếu. Vì bằng cách này, doanh nghiệp mới biết một cách chính xác và cụ thể khách hàng đang nghĩ gì và cần gì, điều mà những cách thức thu thập thông tin truyền thống lâu nay (bằng bảng câu hỏi, phiếu thăm dò) không còn đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay.
No comments:
Post a Comment